Nhân khẩu Đức

Phát triển dân số Đức từ 1800 đến 2010[128]
Bài chi tiết: Nhân khẩu Đức

Theo điều tra nhân khẩu năm 2011, dân số Đức là 80,2 triệu,[129] và tăng lên 81,5 triệu theo ước tính ngày 30 tháng 6 năm 2015[130] và lên đến ít nhất là 81,9 triệu vào ngày 31 tháng 12 năm 2015,[131] Đức là quốc gia đông dân nhất trong Liên minh châu Âu, và có dân số đông thứ nhì tại châu Âu sau Nga, và là quốc gia đông dân thứ 16 trên thế giới.[132] Tuổi thọ dự kiến khi sinh tại Đức là 80,19 năm (77,93 năm với nam giới và 82,58 năm với nữ giới).[90] Tỷ suất sinh là 1,41 trẻ em với mỗi phụ nữ (ước tính năm 2011), hay 8,33‰, một trong các mức thấp nhất trên thế giới.[90] Kể từ thập niên 1970, tỷ lệ tử vong của Đức đã vượt tỷ lệ sinh.[133] Tuy nhiên, Đức đang chứng kiến tỷ lệ sinh và tỷ lệ nhập cư gia tăng bắt đầu trong thập niên 2010,[134] đặc biệt là tăng số lượng người nhập cư có học thức.[135][136]

Bốn nhóm dân cư lớn được quy là "dân tộc thiểu số" do tổ tiên của họ sinh sống tại các khu vực tương ứng trong nhiều thế kỷ.[137] Đó là người dân tộc thiểu số Đan Mạch (khoảng 50.000) tại bang cực bắc Schleswig-Holstein.[137] Người Sorb thuộc nhóm Slav có khoảng 60.000 người, sống tại khu vực Lusatia của các bang SachsenBrandenburg. Người Roma cư trú khắp lãnh thổ liên bang, và người Frisia sống tại duyên hải miền tây bang Schleswig-Holstein, và tại phần tây bắc của Hạ Sachsen.[137]

Có khoảng 5 triệu người có quốc tịch Đức cư trú tại nước ngoài (2012).[138] Năm 2014, có khoảng bảy triệu người trong số 81 triệu cư dân Đức không có quyền công dân Đức. Sáu mươi chín phần trăm trong số đó sống tại miền tây của liên bang và hầu hết là tại các khu vực đô thị.[139][140] Năm 2015, Đức là quốc gia có số lượng di dân quốc tế cao thứ hai thế giới, với khoảng 5% hay 12 triệu người.[141] Đức xếp hạng bảy trong EU và thứ 37 toàn cầu về tỷ lệ người nhập cư so với tổng dân số. Tính đến năm 2014[cập nhật], các dân tộc-quốc gia đông nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ (2.859.000), tiếp đến là Ba Lan (1.617.000), Nga (1.188.000), và Ý (764.000).[142] Từ năm 1987, có khoảng 3 triệu người dân tộc Đức, hầu hết từ các quốc gia Khối phía Đông, đã thực hiện quyền trở về của mình và di cư đến Đức.[143]

Tôn giáo

Tôn giáo tại Đức (2016)[144]

  Kitô giáo (59.3%)
  Không tôn giáo (34.4%)
  Hồi giáo (5.5%)
  Khác (0.8%)

Khi thống nhất vào năm 1871, khoảng 2/3 dân số Đức theo Tin Lành và 1/3 dân số theo Công giáo, cùng một cộng đồng thiểu số Do Thái giáo đáng kể. Các giáo phái khác cũng hiện diện tại Đức, song chưa từng có ý nghĩa về nhân khẩu và tác động về văn hóa như ba nhóm trên. Cộng đồng Do Thái giáo thiểu số tại Đức gần như biến mất trong Holocaust và thành phần tôn giáo của Đức cũng biến đổi dần trong các thập niên sau năm 1945, khi Tây Đức trở nên đa dạng hơn về tôn giáo do nhập cư còn Đông Đức trở thành quốc gia đa số không theo tôn giáo do chính sách của nhà nước. Tôn giáo tại Đức tiếp tục đa dạng sau khi Đức tái thống nhất vào năm 1990, về tổng thể là tính mộ đạo giảm đi nhiều trên toàn quốc song số tín đồ phái phúc âmHồi giáo lại tăng lên.[145]

Nhà thờ chính tòa Köln theo kiến trúc Gothic của Công giáo
Nhà thờ Đức Mẹ Dresden theo kiến trúc Baroque của Tin Lành

Theo điều tra nhân khẩu Đức năm 2011, Cơ Đốc giáo là tôn giáo lớn nhất tại Đức chiếm 66,8% tổng dân số.[146] Trong đó, so với tổng dân số, 31,7% tuyên bố họ là tín đồ Tin Lành, và 31,2% tuyên bố họ là tín đồ Công giáo Rôma.[147] Tín đồ Chính thống giáo chiếm 1,3%; các tôn giáo khác chiếm 2,7%. Về phương diện địa lý, tín đồ Tin Lành tập trung tại miền bắc, miền trung và miền đông của quốc gia. Đa số họ là thành viên Giáo hội Tin Lành Đức (EKD), bao gồm LutheranCalvinist. Tín đồ Công giáo Rôma tập trung tại miền nam và miền tây. Năm 2014, Giáo hội Công giáo có 23,9 triệu thành viên (29,5% dân số)[148] và Giáo hội Tin Lành có 22,6 triệu thành viên (27,9% dân số).[149] Số lượng tín hữu của cả hai Giáo hội đều giảm trong những năm gần đây.

Năm 2011, 33% người Đức không phải thành viên của các tổ chức tôn giáo được công nhận chính thức với tình trạng đặc biệt.[147] Nhóm Không tôn giáo tại Đức mạnh nhất là tại Đông Đức và các khu vực đại đô thị.[150][151][152]

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai tại Đức, theo điều tra nhân khẩu năm 2011 thì 1,9% người Đức tự nhận là người Hồi giáo.[147] Các ước tính gần đây hơn cho thấy rằng có khoảng 2,1-4,3 triệu người Hồi giáo cư trú tại Đức.[153] Hầu hết người Hồi giáo thuộc phái SunniAlevi từ Thổ Nhĩ Kỳ, song có lượng nhỏ tín đồ thuộc các phái khác như Shia.[154] Các tôn giáo khác chiếm dưới 1% dân số Đức[147]Phật giáo với 270.000 tín đồ, Do Thái giáo với 200.000 tín đồ, và Ấn Độ giáo với khoảng 100.000 tín đồ. Các cộng đồng tôn giáo còn lại tại Đức có ít hơn 50.000 tín đồ mỗi tôn giáo.[155]

Ngôn ngữ

Các phương ngữ tiếng Đức

Tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức và chiếm ưu thế tại Đức.[156] Đây là một trong 24 ngôn ngữ chính thức và công việc của Liên minh châu Âu,[157] và là một trong ba ngôn ngữ công việc của Ủy ban châu Âu. Tiếng Đức là ngôn ngữ thứ nhất được nói phổ biến nhất trong Liên minh châu Âu, với khoảng 100 triệu người bản ngữ.[158]

Các ngôn ngữ thiểu số bản địa được công nhận là tiếng Đan mạch, tiếng Hạ Đức, tiếng Sorbia, tiếng Roma, và tiếng Frisia; chúng được bảo vệ chính thức theo Hiến chương châu Âu về các ngôn ngữ khu vực và thiểu số. Các ngôn ngữ nhập cư được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Kurd, tiếng Ba Lan, các ngôn ngữ Balkan, và tiếng Nga. Người Đức có đặc trưng là đa ngôn ngữ: 67% công dân Đức cho biết có thể giao thiệp bằng ít nhất một ngoại ngữ và 27% bằng ít nhất hai ngoại ngữ.[156]

Tiếng Đức tiêu chuẩn thuộc hệ Tây German, có liên hệ mật thiết và được phân loại cùng nhóm với tiếng Hạ Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Frisia và tiếng Anh. Trong phạm vi nhỏ hơn, nó cũng có liên hệ với các ngữ hệ Đông German (đã tuyệt diệt) và Bắc German. Hầu hết từ vựng trong tiếng Đức bắt nguồn từ nhánh German của ngữ hệ Ấn-Âu.[159] Thiểu số đáng kể các từ có nguồn gốc từ tiếng Latinh và Hy Lạp, cùng một lượng nhỏ hơn từ tiếng Pháp và gần đây nhất là tiếng Anh. Tiếng Đức sử dụng bảng chữ cái Latinh để viết. Các phương ngữ tiếng Đức bắt nguồn từ dạng địa phương truyền thống của các bộ lạc German, và khác biệt với các dạng tiêu chuẩn của tiếng Đức qua từ vựng, âm vị, và cú pháp.[160]

Giáo dục

Đại học Heidelberg được thành lập vào năm 1386 là một đại học xuất sắc của Đức.

Trách nhiệm giám sát giáo dục tại Đức chủ yếu được tổ chức trong mỗi bang. Giáo dục mầm non tùy chọn được cung cấp cho toàn bộ trẻ từ ba đến sáu tuổi, sau cấp trường này trẻ tham gia giáo dục nghĩa vụ trong ít nhất chín năm. Giáo dục tiểu học thường kéo dài từ bốn đến sáu năm.[161] Giáo dục trung học gồm ba loại hình trường học truyền thống, tập trung vào các cấp độ học thuật: Các trường lý thuyết (Gymnasium) dành cho các trẻ tài năng nhất và chuẩn bị cho học sinh học tập tại bậc đại học; các trường thực tế (Realschule) dành cho học sinh trung bình và kéo dài trong sáu năm, và các trường học phổ thông (Hauptschule) chuẩn bị cho học sinh theo học giáo dục nghề.[162] Các trường toàn diện (Gesamtschule) hợp nhất toàn bộ các loại hình giáo dục trung học.

Một hệ thống học nghề gọi là Duale Ausbildung có kết quả là có chuyên môn lành nghề, hầu như tương đương với một bằng cấp học thuật. Nó cho phép các học sinh khi tham gia đào tạo nghề được học tại một công ty cũng như tại một trường thương mại quốc lập.[161] Mô hình này được đánh giá cao và được mô phỏng trên khắp thế giới.[163]

Hầu hết các đại học tại Đức là cơ sở công lập, và sinh viên có truyền thống không phải trả học phí.[164] Điều kiện chung cho bậc đại học là kỳ thi Abitur. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ tùy theo mỗi bang, trường học và đối tượng. Giáo dục học thuật miễn phí không hạn chế đối với sinh viên quốc tế và lưu học tại Đức ngày càng phổ biến.[165]Theo một báo cáo của OECD trong năm 2014, Đức là quốc gia đứng thứ ba thế giới về địa điểm học tập quốc tế.[166]

Đức có truyền thống lâu dài về giáo dục bậc đại học, phản ánh vị thế là một nền kinh tế hiện đại trên toàn cầu. Trong số đại học được thành lập tại Đức, có một số trường ở vào hàng lâu năm nhất thế giới, Đại học Heidelberg (thành lập 1386) là cổ nhất tại Đức.[167] Tiếp đến là Đại học Leipzig (1409), Đại học Rostock (1419) và Đại học Greifswald (1456).[168] Đại học Humboldt Berlin do nhà cải cách giáo dục Wilhelm von Humboldt thành lập vào năm 1810, trở thành hình mẫu học thuật cho nhiều đại học châu Âu và phương Tây. Tại nước Đức đương đại, phát triển được 11 đại học ưu tú: Đại học Humboldt Berlin, Đại học Bremen, Đại học Köln, Đại học Công nghệ Dresden, Đại học Tübingen, Đại học Công nghệ Rhein-Westfalen Aachen, Đại học Tự do Berlin, Đại học Heidelberg, Đại học Konstanz, Đại học Ludwig Maximilian München, và Đại học Công nghệ München.[169]

Y tế

Hệ thống nhà tế bần của Đức mang tên spitals có từ thời Trung Cổ, và ngày nay Đức có hệ thống chăm sóc y tế phổ quát lâu năm nhất thế giới, từ pháp luật xã hội của Bismarck trong thập niên 1880,[170] Kể từ thập niên 1880, các cải cách và điều khoản đảm bảo một hệ thống chăm sóc y tế cân bằng. Hiện nay cư dân được bảo hộ thông qua một kế hoạch bảo hiểm y tế theo quy chế, có tiêu chuẩn cho phép một số nhóm lựa chọn một hợp đồng bảo hiểm y tế tư nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hệ thống chăm sóc y tế của Đức có 77% là do chính phủ tài trợ và 23% là do cá nhân chi trả tính đến năm 2013[cập nhật].[171] Năm 2005, Đức dành 11% GDP của mình cho chăm sóc y tế. Đức xếp hạng 20 trên thế giới về tuổi thọ dự tính với con số 77 năm cho nam giới và 82 năm cho nữ giới, và có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh rất thấp (4 trên 1.000 ca sinh).[171]

Năm 2010[cập nhật], nguyên nhân tử vong chính là bệnh tim mạch với 41%, tiếp đến là u ác tính với 26%.[172]Năm 2008[cập nhật], khoảng 82.000 người Đức bị nhiễm HIV/AIDS và 26.000 chết vì dịch bệnh này (lũy tích, từ 1982).[173]Theo một khảo sát vào năm 2005, 27% người Đức trưởng thành hút thuốc lá.[173] Béo phì tại Đức ngày càng được cho là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy Đức có số người thừa cân cao nhất tại châu Âu.[174][175]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đức http://www.yorku.ca/lbianchi/sts3700b/lecture17a.h... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003352.php http://people.idsia.ch/~juergen/nobelshare.html http://people.idsia.ch/~juergen/sci.html http://people.idsia.ch/~juergen/scinat.html http://www.aircraft-charter-world.com/airports/eur... http://www.bbc.com/news/business-12610268 http://www.bbc.com/news/magazine-29380144 http://www.bbc.com/news/magazine-32821678 http://www.bbc.com/news/world-europe-17299607